Bài viết được gửi đến từ bạn Lương Hữu Bình – trong một sự kiện nhỏ được LLab tổ chức để các bạn có dịp kể lại những câu chuyện đơn sơ, vô tình, trong trẻo hay diệu kỳ thuở ban đầu đã đưa bạn đến với hành trình dài của những cuộn phim.
Chúng tôi xin phép đăng tải toàn bộ bài viết dưới đây.
—–
– Mẹ ơi, tấm ảnh này ai chụp mẹ vậy? – Tôi hỏi.
– Bạn học của mẹ thôi con. – Mẹ đáp.
Trong kí ức mơ hồ lúc bé của tôi luôn hiện lên một tấm ảnh đen trắng của mẹ tôi. Trong tấm ảnh, mẹ tôi đứng dưới một gốc cây phượng với mái tóc ngắn và quay đầu nhìn về phía người chụp. Một khoảnh khắc hiếm có! – Tôi nghĩ thế. Đa phần những tấm hình của mẹ tôi là khi bố mẹ tôi lấy nhau, khi gia đình đến một studio để chụp ảnh vào dịp năm mới, khi xuất hiện trong đám cưới của một ai đó.
Những ngày đó thật khác với bây giờ. Không phải cứ muốn chụp ảnh là đưa điện thoại lên, bấm cái “tách”, cho vào VSCO chỉnh sửa rồi đăng lên mạng xã hội. Nhũng người thợ chụp ảnh đưa máy lên, nhẩm tính rồi bấm. Người được chụp phải chờ đến ngày ghi trên giấy hẹn mới có thể thấy được hình của mình như thế nào. Tại vùng quê miền Trung bé tí của tôi có một người thợ chụp ảnh “rất có phong cách”. Chú ấy có một chiếc Vespa xám, mỗi lần khởi động phải đạp rất vất vả và khói từ ống xả thì mù mịt thôi rồi. Chú có một studio be bé cách nhà tôi vài căn. Studio của chú cũng “rất có phong cách” vì ngoài tên chú ra thì còn lại toàn là những chữ nước ngoài rất khó đọc như Kodak, Fujifilm, Canon,.. Tôi và con chú ý học cùng khóa tại trường mẫu giáo nên lần nào chú cũng chụp ảnh cho chúng tôi.
Thời gian qua đi, máy kĩ thuật số dần thay thế cho những chiếc máy ảnh film xưa cũ. Lần đầu tiên lớp chúng tôi được chụp ảnh lấy ngay cũng là lần mà tôi phát hiện ra chú không còn chụp ảnh cho lớp tôi nữa. Studio của chú cũng không còn nằm ở đó. Những hình ảnh về một tiệm chụp ảnh với những chữ cái khó đọc chỉ còn lại trong kí của những năm tiểu học.
– Ngoại ơi, hồi kia mẹ con để tóc ngắn đúng hông? – Tôi hỏi.
– Đúng rồi, năm cấp 3 nó có để tóc ngắn đó. – Ngoại trả lời.
– Mẹ con có tấm hình để tóc ngắn xinh lắm. – Tôi nói.
– Ừ! Bạn trai nó chụp đó. Thằng bé đó sau này mở tiệm chụp ảnh gần nhà mày đó. Hồi kia nó hay chụp hình lúc mày học mẫu giáo đó. – Ngoại nói.
Hình ảnh ông chú chụp ảnh tóc xoăn cùng tiệm chụp ảnh với những chữ cái khó đọc hiện về. Chắc hẳn lúc đó chú thích mẹ tôi lắm. Tấm ảnh không chỉ đơn thuần là chụp lại mẹ tôi mà còn chứa đựng tình cảm của chú lúc đó.
– Tấm hình này thật giá trị! Có khi mình nên chụp lại người mình yêu bằng một chiếc máy film nhỉ. – Tôi tự nhủ.
Từ ý nghĩ đó, tôi đã mua một chiếc máy ảnh “hơi khác thường” tên RolleicordV. Tiền film thì mắc vãi chưởng, tôi chụp thì ngu, và đặc biệt là lúc mua máy cũng chính là lúc người tôi thích thầm có người yêu. Quá đủ lí do để tôi có thể dừng câu chuyện chụp ảnh film ở đây và chuyển sang một thú vui khác.
Suy nghĩ thế nhưng không hiểu sao tôi lại ra lab mua thêm một cuộn film nữa, lắp vào, và chụp. Có thể lúc đấy tôi mới nhận lương và muốn phung phí một chút. Tôi đem máy đến chỗ làm, đi loanh quanh suy nghĩ xem mình nên chụp gì. Bỗng có tiếng gọi:
– Em ơi! Cho chị một ly đen đá không đường nhé. – Một chị gái bước vào quán.
– Dạ vâng ạ! – Tôi đáp
– Cũng không quá tệ cho một bức chân dung nhỉ. – Tôi nghĩ.
Thế là phấn khích trở lại, tôi không còn ý định bán máy nữa mà quyết định sẽ tìm hiểu sâu hơn về cách chụp ảnh. Tôi cầm máy đi khắp nơi, ngắm mọi thứ bằng chiếc máy của mình. Tôi cho rằng đó là sự chuẩn bị để khi gặp được một nửa của mình, tôi sẽ sẵn sàng và không bỏ lỡ cơ hội của mình. Hy vọng rằng lúc đưa máy lên chụp người mình thích, tấm ảnh sẽ như tấm của mẹ tôi.
Đó là một khách quen ở chỗ tôi làm. Lúc này tôi đang làm bán thời gian ở một quán cà phê nhỏ. Chị gái ấy luôn đến quán tôi vào lúc 7h sáng, luôn là một chiếc đầm công sở màu đen, luôn gọi cho mình một ly cà phê đen và ngồi đọc sách đến 8h. Tôi nghĩ ngay đến việc nhờ chị làm mẫu và chị ấy đồng ý làm mẫu cho tôi.
Sau đấy một thời gian, tôi mang máy về quê với một cuộn trắng đen. Thật đen khi mục đích của tôi là chụp đám cưới của chị gái nhưng tìm mãi không còn cuộn film 120 màu nào. Thôi thì chịu vậy, thời xưa làm gì có film màu người ta vẫn chụp đám cưới đấy thôi. Đến khi rửa ảnh ra thì tôi mới té ngửa. Lúc này tôi nhận ra rằng những người chụp ảnh cưới đều có kĩ năng cao và kiến thức rộng về nhiếp ảnh. So những tấm ảnh của tôi với những người đó thì tôi thật sự phải cố gắng nhiều mới làm chủ được film trắng đen. Tuy nhiên, cuộn film đó không hẳn tệ lắm. Tôi chụp được một tấm chân dung của một người đã đi qua gần một thế kỉ, Nội tôi.
Ai cũng có một câu chuyện để kể. Đằng sau những tấm ảnh lưu giữ những khoảnh khắc là những câu chuyện khác nhau, những cuộc đời khác nhau. Tôi nhận ra lý do mình thích chụp ảnh, tôi thích nghe người khác kể chuyện. Những tấm ảnh chỉ là những tấm ảnh, điều khiến nó đặc biệt là câu chuyện giữ người cầm máy và người được chụp. Khi đặt cái tâm vào việc mình làm, ai cũng có thể là một nghệ sĩ. Đó là câu chuyện về tôi và chiếc máy ảnh của mình, còn bạn thì sao?
Bài và ảnh: Lương Hữu Bình
LLab.